Nam Phương > Tin tức > Bộ Y tế kêu gọi hành động để chấm dứt kháng kháng sinh

Bộ Y tế kêu gọi hành động để chấm dứt kháng kháng sinh

Ngày 13/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đại diện ngành y tế kêu gọi cộng đồng sử dụng kháng sinh có trách nhiệm để giảm nguy cơ kháng kháng sinh. Tại lễ phát động Tuần lễ Truyền thông về kháng thuốc diễn ra sáng 13/11 tại Vĩnh Phúc do Bộ Y tế phối hợp với FAO và WHO tổ chức, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Việt Nam là một trong các nước trong những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức và sử dung không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong cộng đồng. Trong khi đó kháng kháng sinh làm tăng chi phí điều trị, tăng nguy cơ tử vong.

 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng dùng lại đơn thuốc cũ, mượn đơn thuốc của người quen, hay dùng lại thuốc kháng sinh cũ còn thừa từ đợt ốm khác của người Việt Nam là khá phổ biến. Trong khi đó, uống kháng sinh phải đúng chỉ định, đúng liều. Nếu uống không đủ liều lượng, tùy tiện dùng sẽ tăng nguy cơ kháng thuốc.

Theo ông Tiến, có được các chính sách và cam kết mạnh hơn của cấp lãnh đạo thì chưa đủ để chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh.

“Vấn đề phải vận động cộng đồng và đảm bảo rằng mọi người đều biết cách sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi nhà quản lý, nông dân, bác sỹ, bệnh nhân và người tiêu dùng phải hành động để chấm dứt sự gia tăng của nguy cơ kháng thuốc (AMR) trong cộng đồng”, Thứ trưởng Tiến nói.

Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á thể hiện cam kết đa ngành và hành động ở tất cả các cấp chính quyền nhằm chống tình trạng kháng thuốc.

“Việt Nam đã thể hiện sự lãnh đạo ấn tượng trong việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành. Chúng tôi chứng kiến quá trình cải thiện liên tục trong hệ thống giám sát và kiểm soát việc sử dụng kháng sinh để bảo vệ sức khỏe con người và động vật”- Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam và Tiến sỹ Kidong Park, Đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tháng 9 năm nay, Chính phủ đã kêu gọi Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và Bộ Công thương thảo luận về những thành công và thách thức của Kế hoạch Hành động Quốc Gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020. Cuối tháng 10, một nhóm công tác giám sát kháng thuốc được thành lập để tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong hoạt động giám sát kháng kháng sinh đối với sức khỏe con người và động vật, cộng đồng và môi trường.

“Việt Nam đang có những bước đi quan trọng để tham gia vào Hệ thống Giám sát Kháng Kháng sinh Toàn cầu của WHO. Giám sát kháng thuốc là cơ sở đánh giá gánh nặng của kháng thuốc và cung cấp thông tin cần thiết cho hành động hỗ trợ các chiến lược địa phương, quốc gia và toàn cầu” Tiến sỹ Park cho biết.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có thông tư quy định về mua thuốc theo đơn nhưng việc xử phạt dường như không khả thi. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen của người dân thì phải ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhà thuốc và các tiêu chí của Nhà thuốc đạt Thực hành tốt kinh doanh thuốc GPP, phải bán thuốc theo đơn, phải có hệ thống camera, hệ thống công nghệ thông tin để giám sát. Hiện Bộ Y tế sẽ giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án về mua và bán thuốc theo đơn, đặc biệt tại các thành phố lớn.

 

Nguồn: Dân trí

Tin đọc nhiều

Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)

Các vi khuẩn đường ruột thường sống ở ống tiêu hóa của người và động vật, có thể gây bệnh

Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật

Tự kháng thể là kháng thể (các protein miễn dịch) do nhầm lẫn mục tiêu và tổn thương các mô

Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần

Calcium là loại cation phổ biến nhất trong cơ thể, phân bố ở trong xương/răng (99%), mô mềm, dịch ngoại