Phác đồ điều trị nhiễm Chlamydia Trachomatis tiết niệu sinh dục
08/06/2022Tiểu thể nhiễm trùng-thể căn bản, chịu được đời sống ngoại bào nhưng không có chuyển hoá, tiểu thể này tiếp cận tế bào, chui vào trong, và thay đổi.
Nhận định chung: Chlamydia là tác nhân gây mù loà và bệnh lây truyền qua đường tình dục. Có ba biến thể sinh học khác nhau của Chlamydia:
+ Biến thể trachoma-serovars A, B và C gây bệnh mắt hột.
+ Chlamydia trachomatis gây các bệnh đường sinh dục ở người mà chủ yếu gây viêm niệu đạo có triệu chứng và không triệu chứng.
+ Biến thể serovars L1, L2, L3 gây bệnh hột xoài có cùng nhóm huyết thanh với bệnh mắt hột nhưng có lâm sàng xâm nhập lan tràn gây tổn hại nhiều hơn ở vùng sinh dục-tiết niệu.
C. trachomatis gây nhiễm khuẩn đường sinh dục có triệu chứng gần giống như bệnh lậu. Việc nuôi cấy phân lập vi khuẩn rất khó khăn. Các yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh bao gồm những người có triệu chứng và không có triệu chứng và bạn tình của họ không được chẩn đoán và điều trị sớm, các thày thuốc chưa có kinh nghiệm và chưa quan tâm đến bệnh này. Tỷ lệ mới mắc C. trachomatis không rõ do người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu. Khả năng lây truyền bệnh cũng không rõ do thời gian ủ bệnh dài và khó phân lập được C. trachomatis.
Chlamydia là vi khuẩn nội tế bào bắt buộc do không có khả năng tổng hợp các hợp chất có năng lượng cao (ATP và GTP). Điểm căn bản là chu kỳ nhân lên khác thường với hai hình thái rất đặc biệt để đáp ứng với đời sống nội tế bào và ngoại tế bào. Tiểu thể nhiễm trùng-thể căn bản (elementary body-EB) chịu được đời sống ngoại bào nhưng không có chuyển hoá. Tiểu thể này tiếp cận tế bào, chui vào trong và thay đổi thành có hoạt động chuyển hoá và thành thể lưới (reticulate body). Sau đó nó lấy các chất của tế bào chủ để tổng hợp ra RNA, DNA và protein của nó. Chính giai đoạn chuyển hoá mạnh này làm vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh. Chu kỳ nhân lên của Chlamydia khoảng 48-72 giờ, tế bào bị phá hủy và giải phóng ra thể cơ bản nhiễm trùng.
Phác đồ điều trị nhiễm Chlamydia trachomatis tiết niệu sinh dục
- Trị liệu được lựa chọn là azitromycin, tetracyclin hoặc doxycyclin trong 1-3 tuần.
- Điều trị nhiễm C. trachomatis không biến chứng ở niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng
Phác đồ khuyến cáo điều trị nhiễm Chlamydia:
+ Azithromycin 1g uống liều duy nhất, hoặc
+ Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ ngày trong 7 ngày.
Các phác đồ thay thế:
+ Erythromycin 2 g/ngày, chia 4 lần trong 7 ngày hoặc
+ Levofloxacin 500 mg một lần/ ngày trong 7 ngày, hoặc
+ Ofloxacin 300mg uống 2 lần/ ngày trong 7 ngày.
Một số thuốc khác có hiệu quả điều trị như amoxicillin, rifampicin, sulfonamid, clindamycin và các fluoroquinolon. Các thuốc không có tác dụng điều trị như penicilin, ampixilin, cephalosporin, spectinomycin.
Theo dõi sau điều trị cho thấy có một số trường hợp bị lại (5 – 10%) có thể do tái phát hoặc tái nhiễm. Một số người bệnh sau điều trị mặc dù không còn C. trachomatis nhưng vẫn còn triệu chứng hoặc tái phát triệu chứng bệnh có thể do đồng thời bị tác nhân gây bệnh khác.
Điều trị cho phụ nữ có thai
- Erythromycin 500mg uống 4 viên/ngày trong 7 ngày, hoặc
- Amoxicillin 500mg uống 3 viên ngày trong 7 ngày, hoặc có thể thay thế bằng
- Azithromycin 1g uống liều duy nhất Các bạn tình của người bệnh cần được xét nghiệm trong vòng 30 ngày sau khi phơi nhiễm hoặc được điều trị bằng tetracyclin, doxycyclin.
Bệnh do nhiễm Chlamydia là bệnh lây qua đường tình dục thường gặp, gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis khi quan hệ với bệnh nhân hoặc từ mẹ sang con trong khi sinh nở. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và khó điều trị, trong đó có vô sinh. Khoảng 30% số ca viêm sinh dục nữ do nhiễm Chlamydia Trachomatis có triệu chứng lâm sàng, như tiết dịch mủ âm đạo, đau bụng dưới, ra máu sau giao hợp hoặc giữa chu kỳ, đái buốt, khó và các bệnh viêm chậu hông. Bệnh viêm chậu hông (PID) là biến chứng nặng của nhiễm Chlamydia Trachomatis đường niệu sinh dục, chiếm tỷ lệ 18% với các phổ lâm sàng đa dạng
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?