Hội chứng Antiphospholipid liên quan gì đến biến chứng sảy thai?
29/06/2022Hội chứng Antiphospholipid là một bệnh lý tự miễn, gây ra tình trạng tăng đông. Mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid sẽ có nguy cơ dẫn đến sảy thai, thai chết lưu và những vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến sinh sản.
1. Hội chứng Antiphospholipid
Hội chứng Antiphospholipid (hay còn gọi là hội chứng kháng thể kháng phospholipid) là bệnh lý thuộc nhóm tự miễn. Khi mắc bệnh này, các kháng thể trong hệ thống miễn dịch của bệnh nhân nhận định nhầm phospholipid là chất có hại và tấn công, trong khi phospholipid lại là thành phần đóng vai trò cấu trúc nên các tế bào. Hậu quả của tình trạng này khiến cho các tế bào bị tổn thương. Những tổn thương này sẽ dẫn đến sự hình thành các khối máu đông ở động mạch và tĩnh mạch, và chính các cục máu đông này gây ra tính chất nguy hiểm của bệnh.
Thông thường, sự đông máu vốn là một hiện tượng bình thường đối với cơ thể. Quá trình này cần thiết để giúp các vết thương nhỏ hoặc thành mạch máu bị vỡ có thể cầm máu và lành nhanh hơn. Tuy nhiên, khi bị hội chứng Antiphospholipid, tình trạng máu đông diễn ra quá mức, làm tắc dòng chảy của máu và gây ra hàng loạt những tác động nguy hiểm đến các bộ phận của cơ thể. Bất cứ ai cũng có thể mắc hội chứng kháng thể kháng phospholipid, nhưng nói chung bệnh thường xuất hiện ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nếu bị hội chứng Antiphospholipid sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và những biến chứng nguy hiểm liên quan đến thai kỳ.
2. Mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid
Hội chứng Antiphospholipid là một trong những nguyên nhân gây ra sảy thai liên tiếp (≥ 3 lần). Mặt khác, có khoảng 20% phụ nữ bị sảy thai liên tiếp được chẩn đoán là bắt nguồn từ nguyên nhân miễn dịch mà phổ biến nhất là do mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid.
Như vậy, rõ ràng sự hiện diện kháng thể Antiphospholipid có liên quan mật thiết đến khả năng gây ra sảy thai. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện ra cơ chế của sự liên quan này. Kết quả cho thấy rằng các kháng thể kháng phospholipid có tác động hoạt hóa tiểu cầu, tế bào biểu mô, bạch cầu mono và từ đó đóng vai trò trung gian cho quá trình đông máu, dẫn đến sự hình thành huyết khối ở động mạch và tĩnh mạch. Chúng cũng là tác nhân ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập của nguyên bào nuôi, dẫn tới sai lệch trong hoạt động bánh nhau và làm tăng nguy cơ sảy thai liên tiếp. Hội chứng Antiphospholipid cũng hoạt hóa hệ thống các chất trung gian hóa học, từ đó tạo ra đáp ứng tiền viêm thông qua cơ chế miễn dịch này.
3. Xét nghiệm hội chứng Antiphospholipid
Mẹ bầu bị hội chứng Antiphospholipid sẽ có xét nghiệm dương tính với anti-cardiolipin, yếu tố kháng đông lupus hoặc kháng thể anti-beta-microglobulin và có kèm theo tiền sử tắc mạch hoặc các biến chứng trong thai kỳ (thai chậm tăng trưởng trong tử cung, bị tiền sản giật nặng, thai chết lưu trong tử cung hay sảy thai liên tiếp). Muốn chẩn đoán hội chứng này, cần phải thực hiện các xét nghiệm hội chứng Antiphospholipid, bao gồm có ít nhất một tiêu chuẩn lâm sàng (như sảy thai liên tiếp, dấu hiệu giảm tiểu cầu, huyết khối tĩnh mạch,…) đồng thời có kết quả dương tính trong xét nghiệm kháng thể kháng phospholipid (của một trong 3 loại kháng thể) ít nhất 2 lần trong khoảng thời gian cách nhau khoảng 12 tuần. Nói chung, có nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị đối với các trường hợp bệnh lý này.
4. Điều trị hội chứng Antiphospholipid
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm hội chứng Antiphospholipid, tuy nhiên có nhiều biện pháp điều trị có thể hạn chế cơ chế sinh bệnh. Cụ thể, sự kết hợp của Heparin chưa phân đoạn (Heparin tự nhiên) và Aspirin cho thấy khả năng giảm tỷ lệ sảy thai và gia tăng khả năng sống cho thai nhi. Hai loại thuốc này có tác dụng ức chế sự hình thành huyết khối và điều hòa hệ thống miễn dịch. Cả hai cơ chế này đều mang lại lợi ích tích cực cho bệnh nhân.
Nhìn chung, các nghiên cứu được chứng minh đều sử dụng Heparin chưa phân đoạn 5000 – 10.000 IU 2 lần/ngày kết hợp với 81mg Aspirin. Đối với Heparin trọng lượng phân tử thấp, nhiều nghiên cứu cũng đã được thực hiện nhưng tính hiệu quả vẫn còn chưa rõ ràng. Ngoài ra, liệu pháp steroid và việc sử dụng globulin miễn dịch đường tĩnh mạch cũng đã được thử nghiệm nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về các kết quả được báo cáo.
Nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích cho sự khác biệt giữa các kết quả là sự không đồng nhất của các nghiên cứu được thực hiện: Tiêu chuẩn xác định bệnh nhân khác nhau, cơ sở xét nghiệm được chọn và test kháng thể cũng khác nhau. Bên cạnh đó, nghiên cứu quá trình điều trị được bắt đầu ở những giai đoạn khác nhau của thai kỳ và tác dụng trên mỗi người bệnh Antiphospholipid cũng không giống nhau.
Ngoài ra, việc kiểm soát tốt những căn bệnh khác do hội chứng Antiphospholipid gây ra (chẳng hạn như lupus) cũng rất quan trọng vì điều này sẽ giúp phòng ngừa được các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?