Định lượng Vitamin D trong máu có thực sự quan trọng?
05/09/2023Vitamin D là nhóm vitamin tan trong chất béo, cần thiết cho quá trình hoạt động và phát triển của tổ chức. Thiếu hụt vitamin D lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển, sức khoẻ của con người. Vitamin D chuyển hoá tại gan thành 25-hydroxyvitamin D, do đó xét nghiệm định lượng 25-hydroxyvitamin D là cách tốt nhất để theo dõi nồng độ vitamin D trong cơ thể.
Vai trò của vitamin D đối với sức khoẻ
- Vitamin D là một tiền chất nội tiết tố steroid tan được trong mỡ, hai dạng tồn tại quan trọng nhất của vitamin D là vitamin D3 (ergocanxiferon) và vitamin D2 (cholescanxiferon).
- Vitamin D được cung cấp cho cơ thể bằng cách uống hoặc ăn các thực phẩm trong tự nhiên có chứa nhiều vitamin D. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giúp tăng cường sản xuất vitamin D từ cholesterol trong da.
- Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong sức khoẻ của xương cũng như điều hoà, duy trì nồng độ canxi và phospho trong cơ thể do làm tăng hấp thu canxi, phospho và magie ở ruột non. Một số nghiên cứu khẳng định, các cá nhân duy trì nồng độ vitamin D trong máu tốt có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn, phòng chống được một số bệnh ung thư. Ngoài ra, vitamin D còn:
+ Giảm nguy cơ tử vong sớm.
+ Giảm các triệu chứng trầm cảm.
+ Tăng cường phát triển cơ bắp, giảm nguy cơ té ngã và suy yếu ở người cao tuổi.
+ Giảm nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng
+ Mẹ trong thời kỳ thai sản bổ sung đầy đủ vitamin D thì sẽ giúp tăng chiều cao, cân nặng của trẻ sơ sinh.
Tại sao cần phải thực hiện xét nghiệm định lượng vitamin D trong máu?
Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC), việc khám sức khỏe tầm soát bệnh định kỳ là rất quan trọng vì qua đó sẽ giúp phát hiện bệnh trước khi có biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng. Đồng thời, các xét nghiệm định kỳ giúp phát hiện ra cơ thể đang bị thiếu những vi chất gì để bổ sung kịp thời, trong đó, việc đánh giá nồng độ vitamin D trong máu thông qua định lượng chất chuyển hóa 25-hydroxyvitamin (Vitamin D3) – dạng lưu hành chủ yếu của vitamin D trong cơ thể để kiểm tra hàm lượng vitamin D thiếu/đủ trong cơ thể là rất cần thiết.
Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu đã cho kết quả rằng, có khoảng 46% trường hợp nữ giới bị thiếu hụt vitamin D, tỷ lệ này ở nam giới là 20%. Tuy nhiên, do nhận thức về tầm quan trọng của vitamin D chưa được nhiều người xem trọng, nên việc tuyên truyền bổ sung vitamin D và công bố tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nước ta trong cộng đồng vẫn chưa được mọi người thực sự quan tâm. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, đối với những người có nguy cơ thiếu vitamin D nên khám sức khoẻ định kỳ, tầm soát vitamin D bằng xét nghiệm để bổ sung kịp thời, phù hợp, nâng cao khả năng miễn dịch và phòng ngừa một số bệnh.
Xét nghiệm định lượng vitamin D trong máu
Xét nghiệm nồng độ vitamin D không phải là xét nghiệm quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Ngày nay, với sự phát triển của trang thiết bị hiện đại, xét nghiệm vitamin D được thực hiện trên hệ thống máy xét nghiệm tự động, với độ chính xác cao và thời gian cho kết quả nhanh chóng. Kết quả định lượng giúp phát hiện kịp thời tình trạng thiếu vitamin D từ đó bác sĩ sẽ hướng dẫn điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để cải thiện nồng độ vitamin D, tránh nguy cơ thiếu hụt kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vitamin D trong máu cao tuy hiếm gặp nhưng có thể xảy ra đối với các trường hợp bổ sung quá nhiều vitamin D từ các viên uống bổ sung. Tăng vitamin D trong máu cũng gây ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe, có thể gây tăng canxi máu, tổn thương thận, bất thường nhịp tim, mất nước…
Việc thừa hay thiếu vitamin D đều để lại ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, vì thế việc xét nghiệm định lượng vitamin D là việc làm cần thiết. Từ kết quả định lượng vitamin D giúp bệnh nhân có thể điều chỉnh lối sống kịp thời, bổ sung vitamin D hợp lý, đúng cách để bảo vệ sức khỏe.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm định lượng vitamin D trong máu
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nồng độ vitamin D trong máu ở người bình thường hiện nay là 30ng/mL. Nồng độ vitamin D trong máu tăng trong trường hợp bổ sung thừa vitamin D. Mức độ nhiễm độc vitamin D được ghi nhận là từ 200-250ng/mL (ít gặp).
Nồng độ vitamin D trong máu thường giảm trong các trường hợp: bổ sung thiếu vitamin D; bệnh loãng xương, bệnh nhuyễn xương (Osteoporosis); các bệnh đau cơ, xương, khớp mạn tính; canxi máu thấp; viêm khớp dạng thấp; bệnh tự miễn (Bệnh đa xơ cứng); đái tháo đường type I và II; bệnh viêm ruột; bệnh tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, ung thư…
Tuy có vai trò quan trọng nhưng hiện tại xét nghiệm định lượng vitamin D trong máu vẫn chưa là một xét nghiệm phổ biến ở nhiều Bệnh viện. Thiếu vitamin D có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, trong khi hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu được bổ sung đúng cách ngay từ đầu.
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?