Lợi ích của xét nghiệm CRP trong chẩn đoán
02/08/2023Protein phản ứng C hay C-reactive protein (CRP) là marker của giai đoạn cấp trong quá trình viêm nhiễm được gan sản xuất dưới sự kích hoạt của các cytokine. Định lượng nồng độ CRP trong máu giúp chẩn đoán và theo dõi bệnh lý liên quan đến quá trình viêm nhiễm và tổn thương mô. CRP được sinh ra ở một số cơ quan như tế bào biểu mô đường hô hấp, lympho T… nhưng chủ yếu bởi gan dưới sự đáp ứng với các yếu tố trung gian của quá trình viêm, tổn thương mô như interleukin 1b, interleukin 6 và alpha-TNF.
Trên lâm sàng, có thể thấy CRP tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau nên nó không giúp chẩn đoán chuyên biệt cho một bệnh cụ thể mà chỉ là bằng chứng của tình trạng viêm nhiễm hoặc tổn thương của mô, cơ thể. Các tình trạng này gây phóng thích các interleukin kích hoạt tổng hợp CRP. Ở pha cấp của quá trình viêm, CRP tăng nhanh trong 2 giờ đầu, vượt quá giới hạn bình thường sau 6 giờ, đạt đỉnh vào khoảng 48 giờ, thời gian bán huỷ tương đối ngắn khoảng 19 giờ (sau khi quá trình viêm giảm). Giá trị của CRP cũng không chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi globulin máu và hematocrit nên có giá trị chẩn đoán khi nồng độ globulin hoặc hematocrit máu thay đổi.
Ngoài ra, CRP có ý nghĩa quan trọng trong theo dõi kết quả điều trị cũng như trong biến chứng nhiễm khuẩn. CRP tăng vào giờ thứ 4-6 sau phẫu thuật, đạt đỉnh vào khoảng ngày 2-3, và giảm dần sau đó. Trong trường hợp có biến chứng sau mổ, nồng độ CRP có khuynh hướng cao hơn và kéo dài hơn (so với không biến chứng).
Ngày nay, quá trình viêm đóng vai trò chính trong quá trình hình thành mảng xơ vữa, cơ chế chính trong sinh bệnh học của bệnh mạch vành. CRP là marker đáp ứng các kích thích bao gồm xơ vữa, tổn thương, thiếu máu và hoại tử, được sử dụng để đánh giá nguy cơ của bệnh mạch vành. So với các yếu tố nguy cơ truyền thống, CRP hs là yếu tố tiên lượng quan trọng, kết hợp với các yếu tố khác như Cholesterol, LDL-C, Triglycerid, Glucose… làm tăng khả năng tiên lượng bệnh.
Cả hai xét nghiệm CRP và xét nghiệm hs-CRP đều đo cùng một loại protein là CRP, cần phân biệt rõ:
- Xét nghiệm CRP thông thường đo được ở phạm vi rộng nên thường được dùng để kiểm tra tình trạng viêm, nhiễm trùng sớm, tuy nhiên nó lại kém nhạy hơn ở phạm vi thấp.
- Xét nghiệm CRP-hs có thể phát hiện protein ở nồng độ thấp hơn (do nhạy hơn), được coi như một chất chỉ điểm đối với tình trạng viêm mạch cấp độ thấp.
Theo Hiệp hội Tim mạch (The American Heart Association – AHA) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh của Mỹ (US Centers for Disease Control and Prevention – CDC) phân nhóm nguy cơ bệnh mạch vành ở người bình thường theo nồng độ CRP-hs như sau:
- CRP-hs < 1.0 mg/l: Nguy cơ thấp.
- CRP-hs từ 1.0-3.0 mg/l: Nguy cơ trung bình.
- CRP-hs >3.0 mg/l: Nguy cơ cao nhất.
Những người có chỉ số CRP-hs cao hơn có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch, và những người có giá trị thấp hơn có nguy cơ ít hơn. Trường hợp người bệnh có kết quả CRP-hs ở giá trị bình thường cao có nguy cơ bị đau tim gấp 1.5 đến 4 lần so với những người có chỉ số CRP-hs ở mức thấp nhất trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, có một số yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm mà bác sĩ lâm sàng cần lưu ý:
- Kết quả thấp giả: do dùng các thuốc chống viêm non-steroid, aspirin, corticosteroid, statin, chẹn beta giao cảm
- Kết quả cao giả: dùng các thuốc điều trị hormon thay thế, thuốc tránh thai.
- Đặt dụng cụ tránh thai trong tử cung
- Gắng sức hoặc vận động thể lực mạnh
- Có thai
- Béo phì
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?