Những xét nghiệm thường được thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát
04/05/2022Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Viết Lệ Diễm – Bác sĩ Nội tổng quát – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, mọi người đã quan tâm đến sức khỏe của bản thân và gia đình nhiều hơn. Thay vì đợi đến khi có bệnh mới đi khám, thì nhiều người đã chủ động đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ nhằm kiểm tra sức khỏe, giúp phát hiện sớm các mầm bệnh, ngăn chặn không cho chúng phát triển.
1. Khám sức khỏe tổng quát như thế nào?
Khám sức khỏe tổng quát ngày càng phổ biến, việc làm này giúp đánh giá sức khỏe cơ thể của mỗi người một cách tổng thể, toàn diện nhất. Các cơ quan, bộ phận và các chức năng của cơ thể sẽ được kiểm tra, đánh giá để có thể phát hiện ra những điểm bất thường nếu có. Có rất nhiều cơ sở y tế cả công lập và tư nhân cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tổng quát với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Mỗi cơ sở sẽ có quy trình khám khác nhau, tuy nhiên về cơ bản sẽ bao gồm các bước:
- Khám thể lực
- Khám lâm sàng tổng quát
- Làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng
- Bác sĩ tổng hợp kết quả, đưa ra kết luận về tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn
2. Những xét nghiệm thường được thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát
2.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu bao gồm 2 nhóm xét nghiệm cơ bản đó là xét nghiệm huyết học và xét nghiệm sinh hóa máu. Xét nghiệm huyết học
- Công thức máu: Là một trong các xét nghiệm huyết học và là một xét nghiệm cơ bản, cần thiết khi khám sức khỏe cũng như khi khám chữa bệnh. Xét nghiệm này cung cấp các thông tin về thành phần máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và nhiều thành phần khác trong máu. Thông qua đó bác sĩ có thể đánh giá xem có bị thiếu máu hay có dấu hiệu bất thường như nhiễm trùng hay không.
- Nhóm máu: Xác định nhóm máu cũng là việc làm cần thiết, để trong những trường hợp cấp cứu, cần phải truyền máu được thực hiện nhanh chóng. Xét nghiệm này chỉ cần làm một lần.
2.2. Xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu sẽ cung cấp nhiều chỉ số đánh giá nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, bao gồm:
- Xét nghiệm chức năng gan qua các chỉ số: AST (GOT), ALT (GPT), GGT, định lượng Bilirubin (toàn phần, trực tiếp và gián tiếp).
- Xét nghiệm chức năng thận qua các chỉ số: Creatinin, Ure.
- Xét nghiệm đường máu và HbA1c : Tầm soát bệnh Đái tháo đường.
- Xét nghiệm mỡ máu gồm có các chỉ số: Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C, Triglycerid.
- Xét nghiệm Acid uric trong máu đánh giá nguy cơ bệnh Gut.
2.3. Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu cũng là một xét nghiệm cơ bản thường được thực hiện khi khám sức khỏe. Thông qua xét nghiệm này các bác sĩ có thể đánh giá hoạt động của các cơ quan như thận, gan, tụy và cơ quan bài tiết trong cơ thể bạn.
2.4. Các xét nghiệm khác
Ngoài các xét nghiệm trên, các gói khám sức khỏe tổng quát cao cấp hơn, có thể có thêm các xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm tầm soát ung thư như: ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến ở nam, hay ung thư cổ tử cung ở nữ,….
- Xét nghiệm nội tiết tố: Testosterone ở nam, FSH và LH ở nữ.
- Xét nghiệm kiểm tra chức năng tuyến giáp.
- Xét nghiệm vi sinh: Kiểm tra xem bạn có nhiễm các vi sinh vật như virus viêm gan B,C, virus HIV,… hay không.
Như vậy các xét nghiệm thường được thực hiện trong khám sức khỏe tổng quát đó là xét nghiệm máu bao gồm công thức máu, nhóm máu, chứng năng gan thận, đường máu, mỡ máu,… xét nghiệm nước tiểu và có thể làm một số xét nghiệm khác. Thông qua đó bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe cơ thể của bạn một cách tổng quát. Việc khám sức khỏe tổng quát nên được tiến hành định kỳ từ 6 tháng – 1 năm/lần để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh có thể phát hiện và ngăn chặn bệnh sớm. Là một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực thiết bị y tế, Công ty TNHH Kỹ thuật Nam Phương tự hào được cung cấp các giải pháp xét nghiệm hiện đại, toàn diện cho các Bệnh viện, Phòng khám trên toàn quốc.
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?