Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
06/08/2024
Kháng thể anti thyroglobulin xuất hiện khi hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp. Xét nghiệm kháng thể này được chỉ định để kiểm tra mức độ kháng thể trong máu và đánh giá tình trạng tự miễn dịch trong cơ thể.
Vai trò của tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, giữ vai trò quan trọng và có tác dụng tạo ra các hormone giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc sản xuất quá ít hormon đều dẫn đến bệnh lý.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, ảnh hưởng nhiều đến quá trình trao đổi chất của cơ thể
Tuyến giáp tạo và tiết ra các kích thích tố, bao gồm:
- Thyroxine (T4): Đây là hormon chính được tuyến giáp tạo ra và giải phóng vào máu, chất này có thể chuyển đổi thành T3 thông qua quá trình khử iod.
- Triiodothyronine (T3): Tuyến giáp sản xuất lượng T3 ít hơn so với T4, nhưng T3 ảnh hưởng nhiều đến quá trình trao đổi chất hơn so với T4.
- Triiodothyronine đảo ngược (RT3): Tuyến giáp tạo ra một lượng rất nhỏ RT3, làm đảo ngược tác dụng của T3.
- Calcitonin: Loại hormon này giúp điều chỉnh lượng canxi trong máu.
Đối với cơ thể, tuyến giáp và các hormon ảnh hưởng đến hầu hết hệ thống cơ quan như:
- Hệ thống tim mạch: Tuyến giáp giúp điều chỉnh lượng máu tim được bơm qua hệ thống tuần hoàn (cung lượng tim), nhịp tim, sức mạnh và sức co bóp của tim.
- Hệ thống thần kinh: Tuyến giáp không hoạt động bình thường gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, bao gồm tê, ngứa ran, đau hoặc cảm giác nóng rát ở các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Suy giáp gây trầm cảm và cường giáp gây lo lắng.
- Hệ thống tiêu hóa: Tuyến giáp có liên quan đến cách thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa (nhu động đường tiêu hóa).
- Hệ thống sinh sản: Tuyến giáp không hoạt động bình thường gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và các vấn đề về khả năng sinh sản.
Kháng thể anti thyroglobulin
Tuyến giáp tạo ra một số protein khác nhau và trong đó bao gồm thyroglobulin. Thyroglobulin được tuyến giáp sử dụng để tạo ra các hormon tuyến giáp hoạt động.
Khi trong cơ thể có xuất hiện tình trạng tự miễn dịch, nó sẽ phá vỡ sản xuất thyroglobulin và tạo ra kháng thể anti thyroglobulin. Tình trạng tự miễn dịch xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo ra những kháng thể tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể. Do đó, khi mức độ kháng thể anti thyroglobulin trong máu cao có thể chỉ ra được tình trạng tự miễn dịch.
Xét nghiệm kháng thể anti thyroglobulin
Xét nghiệm kháng thể anti thyroglobulin thường được chỉ định cùng với xét nghiệm thyroglobulin đối với những trường hợp có xuất hiện triệu chứng rối loạn tuyến giáp như mệt mỏi, tăng cân không rõ nguyên nhân, da khô, táo bón…
Xét nghiệm kháng thể anti thyroglobulin thường được chỉ định cùng với xét nghiệm thyroglobulin
Ngoài ra, xét nghiệm anti thyroglobulin được chỉ định trong một số trường hợp như: trước phẫu thuật và định kỳ sau phẫu thuật hoặc điều trị I-131 nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện tái phát hay di căn của khối u ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, bướu cổ phát triển, tuyến giáp bị to hoặc có nghi ngờ có bị rối loạn tự miễn.
Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu máu, lưu ý tránh ăn hoặc uống trước khi xét nghiệm. Dừng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như warfarin, vitamin tổng hợp,…
Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm anti thyroglobulin
Nếu kết quả cho xét nghiệm âm tính, tức là trong máu không có kháng thể anti thyroglobulin. Nếu kết quả dương tính, cơ thể có thể gặp một số vấn để sức khỏe như:
- Bệnh tiểu đường loại 1
- Thiếu máu ác tính, giảm tế bào hồng cầu do thiếu vitamin B12
- Bệnh mạch máu collagen như: xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp
- Ung thư tuyến giáp
Nếu nồng độ kháng thể anti thyroglobulin cao trong máu có thể là dấu hiệu của rối loạn tự miễn dịch nghiêm trọng. Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gây ra xét nghiệm dương tính với kháng thể anti thyroglobulin, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi sức khỏe và chỉ định một số xét nghiệm bổ sung khác.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết giữ vai trò quan trọng. Việc tìm hiểu về cấu tạo, vị trí, biết được tuyến giáp tiết hormon gì, có chức năng ra sao, thường gặp phải các bệnh gì giúp bạn đọc có cho mình cái nhìn tổng quan, từ đó xây dựng được chế độ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?
- Xét nghiệm D-Dimer và ý nghĩa lâm sàng