Viêm gan B: Tác nhân gây bệnh, biểu hiện sức khỏe và chẩn đoán bệnh?
09/03/2022Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B, trong đó, phần lớn người bệnh mắc viêm gan mạn tính. Nguy hiểm hơn, rất nhiều người bị viêm gan không biết mình mắc bệnh, chỉ có khoảng 10% số người mắc viêm gan B được chẩn đoán.
1. Tác nhân gây bệnh viêm gan B
Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 typ kháng nguyên khác nhau. Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể chịu nhiều gánh nặng bệnh tật suốt đời. Các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV.
* Lây truyền qua đường máu: Virus viêm gan B dễ dàng lây lan qua đường máu theo các hình thức phổ biến sau:
– Dùng chung bơm kim tiêm, đặc biệt là tiêm chích ma túy
– Nhận truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu có chứa virus; tái sử dụng hoặc sử dụng các dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách
– Xăm hình, xỏ khuyên, làm móng hoặc thực hiện các thủ thuật y tế, thẩm mỹ không đảm bảo vệ sinh, có chứa virus gây bệnh
– Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng… với người bị nhiễm bệnh.
* Lây từ mẹ sang con
Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian bé phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối. Có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mạn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
* Lây qua đường tình dục
Virus HBV có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Chính vì vậy hãy chắc chắn rằng mình đã sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như: không quan hệ bằng miệng, không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…
Viêm gan B gồm thể cấp và thể mãn tính. Ở thể cấp, các dấu hiệu có thể nhận biết dễ dàng hơn, trong khi đó, thể mãn tính diễn tiến vô cùng âm thầm, dễ bị bỏ qua. Thông thường, giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, viêm gan B không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận một số trường hợp trải qua giai đoạn cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần như: vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng.
Ở thể mãn tính, cách phát hiện duy nhất là xét nghiệm máu. Thể này, người bệnh sẽ có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng do virus tấn công vào gan khiến gan to, xơ, men gan tăng cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Mặc dù vậy, một số trường hợp vẫn không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi đi kiểm tra sức khoẻ.
2. Các triệu chứng của bệnh viêm gan B
* Triệu chứng viêm gan B cấp tính
Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 – 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm: Sốt, Mệt mỏi, Chán ăn, ăn không ngon, Buồn nôn và nôn, Đau bụng, Nước tiểu đậm màu, Phân nhạt màu, Đau khớp, Vàng da,…
Các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính xuất hiện khoảng 60 – 150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng thường nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi.
* Triệu chứng viêm gan B mạn tính
Hầu hết những người bị viêm gan B mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Trường hợp người bệnh đã mắc viêm gan B trong một khoảng thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng thì khả năng cao đó là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan hoặc ung thư gan, chứ không chỉ đơn thuần là viêm gan nữa.
Ngay sau khi vào cơ thể, virus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy giảm chức năng gan: Virus HBV phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương gan và làm suy giảm các chức năng gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất…
- Gan nhiễm mỡ: Quá trình phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.
- Xơ gan: Trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn, viêm gan B nếu không điều trị sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng gan.
- Ung thư gan: Trung bình, cứ 100,000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan. Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn sẽ tiến triển thành ung thư gan.
3. Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh viêm gan B
Trên cơ sở lâm sàng, không thể phân biệt viêm gan B với viêm gan do các tác nhân virus khác gây ra. Do đó, việc xác nhận chẩn đoán trong phòng xét nghiệm là điều cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm gan B. Có rất nhiều phương pháp xét nghiệm viêm gan B khác nhau. Trong số đó, các xét nghiệm thường được chỉ định nhất bao gồm:
– Kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B (HBsAg):
– Kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb hay Anti HBs):
– Kháng nguyên vỏ virus viêm gan B (HBeAg):
– Kháng thể kháng kháng nguyên lõi virus viêm gan B (Anti HBc):
– Xét nghiệm HBV-DNA:
Xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá mức độ virus đang nhân lên trong cơ thể. Nồng độ đo được càng cao chứng tỏ virus nhân lên càng nhiều, tính lây truyền càng cao. Viêm gan B cấp tính được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng thể HBsAg và kháng thể IgM đối với kháng nguyên lõi HBcAg. Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, bệnh nhân cũng thường có kết quả dương tính với xét nghiệm kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg).
Viêm gan B mạn tính được đặc trưng bởi sự tồn tại của HBsAg trong ít nhất 6 tháng (có hoặc không có HBeAg đồng thời). Sự tồn tại của HBsAg là dấu hiệu chính của nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính và ung thư gan sau này của người bệnh. Sau khi tiến hành các xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm khác nhằm xác định mức độ tổn thương gan như xét nghiệm đánh giá chức năng gan, siêu âm, sinh thiết gan…
Để xác định chính xác tác nhân gây ra các bệnh lý như viêm gan B, viêm gan C, các Y bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử. Procleix Panther là hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động nhằm mục đích xác định các yếu tố gây bệnh lây qua đường truyền máu ở cấp độ sinh học phân tử như Virus Viêm Gan B, Virus viêm gan C hay HIV với độ nhạy đạt tiêu chuẩn của 1 xét nghiệm sàng lọc.
Procleix Panther với thiết kế thông minh, vận hành đơn giản và có khả năng linh hoạt cao bao gồm chế độ chạy từng mẻ hoặc chế độ chạy mẫu nạp liên tục hay mẫu cấp cứu giúp phòng lab có thêm nhiều lựa chọn trong việc chạy mẫu. Hệ thống được Châu Âu phê duyệt năm 2012 và đã được chứng thực toàn cầu, công suất phù hợp với các phòng trung tâm với 1000-1500 đơn vị máu/ngày. Dựa vào kết quả xét nghiệm trên hệ thống Procleix Panther dễ dàng xác định nguyên nhân gây ra bệnh lý viêm gan B và hỗ trợ các Y bác sĩ đưa ra chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp.
Bài viết liên quan
- Xét nghiệm AFP và những điều cần lưu ý
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?