Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
06/07/2024
Chỉ số AMH là một loại chỉ số quan trọng để đánh giá chức năng của buồng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ. Các vấn đề bất thường ở buồng trứng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vô sinh ở nữ giới. Chính vì vậy, việc làm các xét nghiệm nội tiết tố, trong đó có xét nghiệm nội tiết AMH, là điều cần thiết đối với bất kỳ người phụ nữ nào.
Chỉ số AMH là gì?
Anti – Mullerian Hormone (được viết tắt là AMH), là một loại hormone được sản xuất bởi các tế bào hạt ở nang noãn tiền hốc và nang noãn có hốc tại buồng trứng.
Chỉ số AMH giúp cho ta có thể xác định được số lượng noãn non ở trong buồng trứng, hay còn gọi là dự trữ buồng trứng. Chính vì vậy, tỷ lệ dự trữ buồng trứng càng tốt thì khả năng sinh sản càng cao và ngược lại. Đặc biệt, chỉ số AMH cao nhất khi nữ giới ở độ tuổi 25 và sẽ giảm dần theo thời gian.
Chỉ số AMH đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định khả năng sinh sản của phụ nữ, vì nó phản ánh được số nang noãn đang phát triển có trong buồng trứng.
Xét nghiệm AMH thực chất chính là việc đo lường nồng độ hormone này để xác định tình trạng dự trữ buồng trứng hay số lượng còn lại của noãn trong buồng trứng của người phụ nữ tại một thời điểm nhất định.
Dự trữ buồng trứng càng tốt đồng nghĩa với việc khả năng sinh sản của người phụ nữ đó càng cao. Chính vì vậy, có thể nói xét nghiệm AMH giúp bác sĩ đánh giá được khả năng sinh sản của phụ nữ, nhất là với các trường hợp bị suy buồng trứng sớm. Do tính ổn định nên xét nghiệm AMH có thể tiến hành vào bất kỳ lúc nào.
Trường hợp cần xét nghiệm AMH
Đây là một trong những xét nghiệm nội tiết tố kiểm tra sức khỏe sinh sản nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định được bác sĩ khuyến cáo nên làm xét nghiệm AMH là:
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh
- Trường hợp vô sinh hiếm muộn
- Đa nang buồng trứng
- Người bị ung thư buồng trứng hoặc suy buồng trứng sớm
- Tiên lượng mãn kinh
- Theo dõi diễn tiến và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Chỉ định xét nghiệm AMH
Chỉ số AMH giúp cho ta có thể xác định được số lượng noãn non ở trong buồng trứng
Đây là một trong những xét nghiệm nội tiết tố kiểm tra sức khỏe sinh sản nên bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, một số trường hợp nhất định được bác sĩ khuyến cáo nên làm xét nghiệm AMH là:
- Rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh
- Trường hợp vô sinh hiếm muộn
- Đa nang buồng trứng
- Người bị ung thư buồng trứng hoặc suy buồng trứng sớm
- Tiên lượng mãn kinh
- Theo dõi diễn tiến và hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Vai trò của xét nghiệm nội tiết AMH
Đánh giá tình trạng lão hóa buồng trứng
Khi noãn ở buồng trứng rơi vào tình trạng suy giảm cả về số lượng và chất lượng thì được gọi là lão hóa buồng trứng. Thông thường, phụ nữ thường mãn kinh ở độ tuổi 50, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp độ tuổi mãn kinh của phụ nữ sớm hơn bình thường.
Vì vậy việc làm xét nghiệm AMH định kỳ đều đặn có thể giúp theo dõi số lượng còn lại của noãn trong buồng trứng để đánh giá diễn biến tình trạng lão hóa buồng trứng.
Tiên lượng khả năng sinh sản ở nữ giới
Chỉ số AMH và số lượng nang trứng trong buồng trứng có mối quan hệ tương quan trực tiếp với nhau. Phụ thuộc vào độ tuổi và nhiều yếu tố khác ở mỗi người phụ nữ mà tốc độ giảm dần của nồng độ AMH có thể khác nhau.
Xét nghiệm nội tiết AMH giúp bác sĩ có cơ sở theo dõi tốc độ lão hóa buồng trứng và tiên lượng khả năng mang thai ở người phụ nữ.
Từ đó có thể đưa ra chỉ định về thời điểm thích hợp nhất mà người đó có thể mang thai tự nhiên hoặc sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm.
Tiên lượng tuổi mãn kinh
Nồng độ AMH thường giảm sớm ở các trường hợp bị suy buồng trứng hoặc mãn kinh sớm. Đây cũng là lý do khiến xét nghiệm AMH được đánh giá cao hơn xét nghiệm FSH trong việc tiên lượng tuổi mãn kinh của phụ nữ. Khi tiên đoán được thời điểm khởi phát hiện tượng mãn kinh, bác sĩ sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng các loại hormone thay thế nhằm ngăn ngừa các bệnh do mãn kinh sớm ở phụ nữ gây ra, ví dụ như bệnh loãng xương.
Tiên đoán tổn thương buồng trứng sau phẫu thuật, điều trị ung thư
Với sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay việc khám chữa các bệnh phụ khoa thông qua phẫu thuật nội soi (bao gồm phẫu thuật trên buồng trứng) được áp dụng ngày càng rộng rãi hơn.
Các thủ thuật cắt, bóc tách trên buồng trứng hoặc phẫu thuật đốt điện cầm máu, điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến số lượng noãn của người phụ nữ. Xét nghiệm nội tiết AMH có thể giúp đánh giá và tiên đoán được phần nào những thương tổn này.
Nên ăn gì để tăng chỉ số AMH?
Một số thay đổi cơ bản về lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp tăng chỉ số AMH bằng cách kết hợp các phương pháp như:
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng: nhiều rau, hoa quả, thực phẩm giàu chất xơ, các nguồn thực phẩm giàu chất béo omega-3 như cá, quả hạch, hạt, các loại thực phẩm giàu protein và các loại hạt có hàm lượng đạm cao.
- Tránh những chất độc hại: hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại như hóa chất, thuốc lá, cồn và thuốc phiện có thể gây hại đến sức khỏe sinh sản.
- Giảm căng thẳng: căng thẳng và áp lực có thể gây ra sự giảm đi đáng kể về khả năng sinh sản, vì vậy hãy tìm cách để giảm căng thẳng bằng cách thực hành yoga, tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thư giãn.
- Tăng cường hoạt động thể chất: tập thể dục thường xuyên và duy trì một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh có thể giúp cải thiện chức năng sinh sản và tăng cơ hội mang thai.
- Chăm sóc sức khỏe tổng thể: Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, bao gồm cả giấc ngủ đủ và đều có thể giúp tăng khả năng sinh sản.
Bài viết liên quan
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?
- Xét nghiệm D-Dimer và ý nghĩa lâm sàng
- Xét nghiệm Troponin và cập nhật thông tin y khoa mới nhất