Xét nghiệm D-Dimer và ý nghĩa lâm sàng
24/10/2023Trong cơ thể người bình thường luôn duy trì trạng thái cân bằng giữa quá trình hình thành cục máu đông và quá trình tan cục máu đông. Nếu quá trình tạo cục máu đông xảy ra quá mức sẽ dẫn tới bệnh lý huyết khối, ngược lại nếu quá trình tiêu Fibrin xảy ra quá mức có thể dẫn tới biến chứng chảy máu. Để hình thành cục máu đông trong lòng mạch, trước hết yếu tố X được hoạt hoá thành yếu tố Xa, yếu tố Xa cùng với ion Canxi và yếu tố V chuyển Prothronbin thành Thrombin. Dưới tác động của thrombin, fibrinogen lưu hành trong máu được chuyển thành firin đơn phân rồi trùng hợp để tạo thành fibrin polymere không hoà tan. Fibrin Polymer tạo thành mạng lưới giam giữ các thành phần hữu hình của máu tạo cục máu đông.
Fibrinmonomer là chuỗi polypeptid gồm các mảnh peptid a, b, c, D, E. Mảnh a, b, c nhỏ nên người ta chỉ để ý mảnh lớn là D, E. Mảnh E liên kết với 2 mảnh D trùng hợp tạo thành một mạng lưới D-E-D=D-E-D, … Sau khi hình thành một thời gian, cục máu đông tan đi để dòng máu được lưu thông bình thường trong lòng mạch. Quá trình tan đông dưới tác động của các chất hoạt hóa quá trình tiêu Fibrin như plasminogen. Plasminogen được yếu tố nội sinh chuyển thành Plasmin. Plasmin thuỷ phân các dây peptid của lưới fibrinpolymer và tạo ra các chuỗi có 2 mảnh D được gọi là D-dimer và các sản phẩm có trọng lượng phân tử thấp FPDs. Vì vậy khi có cục máu đông trong lòng mạch sẽ làm tăng nồng độ D-dimer trong máu.
Khi một mạch máu hoặc mô bị tổn thương và chảy máu, cơ thể sẽ bắt đầu hình thành cục máu đông (huyết khối) nhằm hạn chế máu chảy và cuối cùng là cầm máu. Quá trình này tạo ra các sợi protein gọi là fibrin. Các fibrin liên kết chéo với nhau, cùng với tiểu cầu giúp giữ cục máu đông tại vị trí vết thương cho đến khi nó lành lại. Khi đã xong, cơ thể sử dụng một loại enzyme gọi là plasmin để phá vỡ cục máu đông. Cục máu đông trở thành những mảnh nhỏ và được loại bỏ hoàn toàn. Trong đó, D-dimer là một trong những đoạn protein xuất hiện trong quá trình thoái giáng fibrin. Như vậy D-Dimer là sản phẩm thoái giáng của Fibrin từ cục máu đông trong lòng mạch. Vì vậy khi nồng độ D-dimer trong máu tăng là bằng chứng cho thấy có huyết khối trong lòng mạch. Thực hiện đo nồng độ D-dimer được gọi là xét nghiệm D-dimer.
D-dimer được thực hiện trong trường hợp nào?
Xét nghiệm D-dimer được thực hiện để góp phần củng cố chẩn đoán những trường hợp nghi ngờ huyết khối trong cơ thể với độ nhạy 95 % và độ đặc hiệu 90%. Ở những người có nguy cơ thấp bị huyết khối tĩnh mạch sâu, định lượng D-dimer bình thường cho phép loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu ở đoạn gần và đoạn xa. Ở những người có nguy cơ vừa đến cao không cho phép loại trừ huyết khối tĩnh mạch nếu chỉ dựa vào xét nghiệm D-dimer âm tính, nhưng D-dimer tăng làm tăng khả năng chẩn đoán cần tiến hành các phương pháp thăm dò bằng hình ảnh và cân nhắc sử dụng sớm thuốc chống đông cho người bệnh.
- Xét nghiệm D-Dimer có giá trị phát hiện các tình trạng tăng đông, hiệu giá test càng cao thì tình trạng rối loạn đông máu càng nặng. Một trong những trường hợp phổ biến nhất liên quan đến sự hình thành cục máu đông khác thường là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Trong trường hợp này, cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu, thường gặp nhất ở cẳng chân. Những cục máu đông khi phát triển lớn và cản trở dòng máu lưu thông có thể gây sưng, đau và tổn thương mô. Chúng cũng có thể vỡ ra và di chuyển đến vị trí khác trong cơ thể. Mức độ D-Dimer trong máu tăng lên cao khi có sự hình thành và phá vỡ đáng kể các cục máu đông trong cơ thể. Xét nghiệm D-Dimer giúp phát hiện sự tồn tại D-Dimer trong máu, nhưng cục máu đông có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào. Ví dụ, cục máu đông di chuyển đến phổi gây thuyên tắc phổi (PE). Cục máu đông trong động mạch vành là nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Cục máu đông hình thành ở các động mạch cảnh do xơ vữa động mạch, có thể gây ra đột quỵ.
- Xét nghiệm D-Dimer còn hữu ích trong theo dõi tiến triển theo thời gian các bệnh lý huyết khối hay đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu D-Dimer về bình thường sau thời gian theo dõi chứng tỏ quá trình hình thành fibrin được cân bằng. Nếu tình trạng tăng D-Dimer sau 3-6 tháng điều trị chống đông có thể gợi ý về tái phát huyết khối gây tắc mạch ở người bệnh. Xét nghiệm D-Dimer có thể giúp chẩn đoán bệnh lý đông máu nội mạch lan tỏa (DIC). DIC – còn được gọi đông máu rải rác trong lòng mạch, là tình trạng rối loạn hệ thống đông máu, khi mà các yếu tố đông máu được kích hoạt và tạo ra nhiều cục máu đông hình thành trong các mạch máu nhỏ khắp cơ thể. Đồng thời, nó khiến người bệnh dễ bị chảy máu quá nhiều. Đây là một hội chứng thứ phát nguy hiểm, phát sinh từ nhiều tình huống khác nhau, bao gồm phẫu thuật, nhiễm trùng máu, bệnh lý về gan, bệnh lý tự miễn, bị rắn độc cắn hoặc biến chứng sau khi sinh con…
Xét nghiệm D-dimer cũng được sử dụng để đánh giá trong quá trình điều trị DIC. Nồng độ D-dimer giảm xuống là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy phương pháp điều trị đang có hiệu quả. Ngược lại, chỉ số D-dimer tăng lên cho thấy việc điều trị không có hiệu quả. Tuy nhiên xét nghiệm D-dimer cũng bị ảnh hưởng bởi các thuốc tiêu fibrin trong huyết thanh hay yếu tố dạng thấp cao ở trong huyết thanh, tăng trong nhiều trường hợp khác như mang thai, ung thư,…
Bài viết liên quan
- Tiền tiểu đường và những điều cần lưu ý
- Tầm soát lao hiệu quả với xét nghiệm Quantiferon
- Tầm quan trọng của kháng thể anti thyroglobulin trong bệnh lý tuyến giáp
- Nhận biết tình trạng buồng trứng qua chỉ số AMH
- Basedow và những điều cần lưu ý
- Họ vi khuẩn đường ruột (Enterobacteriaceae)
- Xét nghiệm tự kháng thể và những thông tin cập nhật
- Những kiến thức cần nhớ về xét nghiệm Calci toàn phần
- Xét nghiệm lactate máu là gì ?
- Xét nghiệm Troponin và cập nhật thông tin y khoa mới nhất